Hiệu quả của quá trình thực thi dự án khí sinh học từ mục đích ban đầu là xử lý chất thải của mô hình chăn nuôi ở nông hộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh, cung cấp chất đốt cho sinh hoạt đã dần dần mở rộng sang lĩnh vực khác. Đó là việc tận dụng phụ phẩm của công trình khí sinh học để phát triển nuôi thủy sản, thay thế phân bón trong trồng cây sơ ri và gần đây là đưa phụ phẩm khí sinh học vào quy trình nuôi trùn quế đang được ứng dụng ở hộ ông Phạm Văn Thời ngụ tại ấp Dương Phú, thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông.
Sau khi tham gia các lớp hội thảo về dự án hỗ trợ chương trình khí sinh học cho do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tổ chức, năm 2006, ông Phạm Văn Thời đã đăng ký xây hầm khí sinh học với thể tích là 20,6m3 – kiểu KT 2B với qui mô chăn nuôi: hơn 200 con heo thịt, 30 heo cái sinh sản, 500 gà mái đẻ, 200m2 nuôi trùng quế và 500m2 mặt nước ao nuôi cá bống tượng.
Qua tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn của kỹ thuật viên và quá trình quan sát thực tế, Ông Thời đã tìm hiểu về đặc tính của phụ phẩm công trình khí sinh học: nước thải thu được sau quá trình xử lý của công trình khí sinh học. Từ đó, Ông đã mạnh dạn thử nghiệm sử dụng nước thải này vào quy trình nuôi trùn quế.
Quá trình ứng dụng đã được Ông thực hiện như sau: nước thải thu được từ hầm lắng của công trình khí sinh học được dẫn vào ao có diện tích 500m2; sau đó mỗi ngày ông tưới vào những ô nuôi trùn quế một lần thay cho tưới nước thường. Kết quả theo dõi cho thấy: Sản lượng trùn thương phẩm cao hơn hẳn khi sử dụng nước tưới thông thường.
Nguyên nhân là do trong nước thải thu được từ công trình khí sinh học có chứa một lượng đạm hữu cơ cao hơn từ 1,2 – 1,5 lần so với phân gia súc ủ theo phương pháp khác sử dụng làm môi trường nuôi trùn quế (Theo kết quả nghiên cứu được công bố: lượng đạm trong bã thải của công trình khí sinh học chỉ giảm 10% so với tổng số trong lúc đó các phương pháp ủ khác giảm 25 – 30%, thậm chí đến 50%).
Kết quả là trong năm 2006, ngoài thu lãi từ chăn nuôi heo, gà và cá bóng tượng ông còn thu thêm khoảng 20.000.000 đồng từ tiền bán trùn thương phẩm. Trong năm 2007, ngoài việc tiếp tục mở rộng mô hình nuôi trùn quế, Ông Thời cũng đang thử nghiệm sử dụng phần bã rắn thu được từ công trình khí sinh học trộn với lớp vụn vỏ dừa đưa vào làm môi trường nuôi trùn và làm phân bón hữu cơ nhằm làm gia tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng cho đất, đồng thời về lâu dài cũng làm tăng tỉ lệ mùn và tích lũy được nhiều nguyên tố P, K tổng số cho đất, tạo tiền đề cho đất có độ phì nhiêu cao hơn.
Hiện nay ông Phạm Văn Thời là cộng tác viên của chương trình thử nghiệm ứng dụng bã thải vào sản xuất của dự án khí sinh học tại huyện Gò Công Đông. Kết quả thực hiện của mô hình đang thu hút sự quan tâm của các hộ chăn nuôi và từng bước nhân rộng cho các hộ nông dân khác.
Theo Nguyễn Phan Hồng Phương, Kỹ thuật viên KSH huyện Gò Công Đông